NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

Độc đáo Lễ hội Lùng Tùng của người Thái Than Uyên

Cập nhật: 06/12/2023
Lễ hội Lùng Tùng (lễ hội xuống đồng) của người Thái cầu cho một năm sản xuất mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, người dân được khỏe mạnh...

Lễ hội Lùng Tùng (lễ hội xuống đồng) là một trong những lễ hội quan trọng của dân tộc Thái. Tại huyện Than Uyên (Lai Câu), lễ hội này được tổ chức hằng năm vào dịp tháng Giêng, thường diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng. 

5 mâm lễ cúng tại cánh đồng trong lễ hội Lùng Tùng. Ảnh: Hồng Nhung.

5 mâm lễ cúng tại cánh đồng trong lễ hội Lùng Tùng. Ảnh: Hồng Nhung.

Than Uyên là vùng cư trú của dân tộc Thái từ lâu đời. Người dân tộc Thái ở đây có nhiều lễ hội như lễ hội Lùng Tùng, lễ hội Hạn Khuống, lễ hội Kin Pang, lễ hội Xòe Chiêng… Riêng lễ hội Lùng Tùng trong Thế kỉ XX được tổ chức lần cuối cùng vào năm 1958 và sau đó dần bị mai một. Đến năm 2018, lễ hội này đã được Sở VHTTDL Lai Châu chỉ đạo phục dựng và tổ chức, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc của huyện Than Uyên cũng như tỉnh Lai Châu nói chung.

Lễ hội Lùng Tùng (lễ hội xuống đồng) của người Thái gồm hai phần: Lễ và hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, phần hội tổ chức sôi động, vui vẻ.

Cán bộ huyện, cán bộ xã thực hiện nghi thức cày bừa đầu năm để cổ vũ nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp tại Lễ hội Lùng Tùng. Ảnh: Hồng Nhung.

Cán bộ huyện, cán bộ xã thực hiện nghi thức cày bừa đầu năm để cổ vũ nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp tại Lễ hội Lùng Tùng. Ảnh: Hồng Nhung.

Trước ngày tổ chức Lễ hội Lùng Tùng, các già làng chuẩn bị các công việc cho ngày hội như chuẩn bị lễ cúng thần linh bao gồm lợn luộc, gà luộc, xôi màu, hoa quả, tiền vàng, trầu cau, bánh, rượu, mật ong, cá nướng, cá muối chua... và chọn thửa ruộng ở nơi bằng phẳng, rộng rãi, thuận tiện cho tổ chức nghi thức xuống đồng, cũng là nơi tổ chức các trò chơi và văn nghệ dân gian. Các bản cũng chọn ra những con trâu khỏe, chiếc cày tốt để thực hiện những đường cày đầu tiên của năm mới.

Nghi lễ đầu tiên, bản mường thường mở một lễ cúng, trong đó già làng hoặc ông mo (thầy cúng) phải làm lễ xin báo cáo thần linh, thổ địa, sau đó mới tổ chức lễ cúng Nàng Han ngay tại bản. Nàng Han được coi là vị đại diện cho lực lượng thần linh bảo vệ bản mường, cúng xong thì đoàn người rước cờ trống và lễ vật cúng Nàng Han ra mảnh ruộng được chuẩn bị cho lễ hội.

Tại đây sắp thêm 4 mâm cúng nữa, là các mâm cúng chúng sinh; cúng thành hoàng làng; cúng thần linh các cõi tiên giới và dưới biển, dưới đất; cúng các thần núi, thần rừng, thần đất khu vực từ Bình Lư đến Tú Lệ (ranh giới Than Uyên ngày xưa), sau đó mới đến các nghi thức cày bừa, gieo hạt… cầu cho một năm sản xuất mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cầu cho người dân được khỏe mạnh. Trong nghi thức, đại diện chính quyền địa phương cùng bà con dân bản xuống đồng tham gia cày bừa.

Tại Lễ hội, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Thái ở địa phương. Ảnh: Hồng Nhung.

Tại Lễ hội, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của đồng bào Thái ở địa phương. Ảnh: Hồng Nhung.

Phần hội tiếp đó là chương trình văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, sau đó bà con và du khách được tham gia các trò chơi dân gian như tung còn, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh đu, tó má lẹ, kéo co…

Với đặc thù lễ hội Lùng Tùng có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, là lễ hội mở màn vào mùa xuân, khởi đầu của năm mới, vì vậy, các năm gần đây huyện Than Uyên đã duy trì tổ chức lễ hội hằng năm để đưa lễ hội Lùng Tùng vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trở thành một trong những môi trường diễn xướng thực tế của văn nghệ dân gian, duy trì các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, hoạt động của lễ hội sinh động, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân và du khách.

Từ hoạt động Lễ hội, mỗi người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái và thế hệ trẻ không chỉ tham gia vào việc tổ chức lễ hội mà còn có thêm hiểu biết, có ý thức gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa của cộng đồng

Bài; ảnh: Hồng Nhung

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm