NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

NGƯỢC DÒNG ĐÀ GIANG

Cập nhật: 14/12/2013
Nói là ngược dòng Đà Giang cho hoành tráng chứ thực chất là chúng tôi chỉ men theo tả ngạn của con sông hung dữ này để khám phá về ngọn nguồn dòng chảy đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử và hiện vẫn còn chất chứa trong mình biết bao những huyền tích. Quả thật, để thực hiện được chuyến phiêu lưu như vậy, đối với chúng tôi đã là cả một kỳ tích. Có lẽ để có những chuyến đi thử thách lòng người để rèn luyện ý chí, tôi luyện bản thân thì có lẽ không đâu trên đất nước mình có thể sánh được với Lai Châu.

Đọc trong tài liệu lịch sử, tôi biết rằng năm 1432 sau khi đã đánh tan quân Minh giành được độc lập, vua Lê Lợi đã thân chinh dẫn quân ngược dòng Đà Giang đi dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn và trên đường trở về, ông đã khắc bài thơ Thân chinh Phục Lễ châu Đèo Cát Hãn lên vách đá. Chuyện kể rằng vua Lê Thái Tổ đã rút kiếm ra viết thẳng bài thơ bằng mũi kiếm vào vách đá, chuyện đó quả thật cũng không biết thực hư ra sao. Khi tới đấy tận mắt chứng kiến, mặc dù đã trải qua gần 600 năm mà những dòng chữ vẫn còn sắc nét. Ngay cả câu chuyện vua Lê Lợi dẫn quân ngược dòng Đà Giang với những phương tiện thô sơ cũng khiến không ít người hồ nghi về tính chân thực của nó. Nhưng có nhiều các cứ liệu lịch sử đã chứng minh được rằng đây là câu chuyện hoàn toàn có thực. Thế mới biết, sức mạnh về ý chí và lòng quyết tâm bảo vệ giữ gìn bờ cõi non sông đất nước của ông cha ta lớn biết nhường nào. Do nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La nên tấm bia đã được di dời cách địa điểm cũ khoảng 500 m trên trục đường tỉnh lộ đi Mường Tè – Lai Châu, hướng bia quay ra sông Ðà, phía trước có cả đường thuỷ và đường bộ. Bia được đặt trong quần thể kiến trúc Đền thờ vua Lê Lợi.
Đến ngã ba Mường Lay huyền thoại, dòng Đà Giang gặp dòng Nậm Na, nơi nổi tiếng với phế tích dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long nay chỉ còn rêu phong nền móng. Chúng tôi được người dân nơi đây kể những câu chuyện mang đầy màu sắc huyền bí về vị vua Đèo Văn Long. Nào là về việc ông làm tay sai cho giặc Pháp để sát hại đồng bào, nào sự tàn bạo của ông ngay cả với những đứa con của mình, rồi là sự xa hoa giàu có, rồi về những cung tần mỹ nữ với những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, v.v.. Đứng trên nền xưa dấu cũ của ngôi biệt thự xa hoa bậc nhất thuở nào, nhìn về phía ngã ba sông giờ đây là một khoảng trời bình yên níu chân lữ khách. 
Dòng sông Đà giờ đây đã được con người chinh phục, đang mang lại nguồn thủy năng lớn hơn bất cứ dòng sông nào của đất nước. Dòng Đà Giang bây giờ đã trở nên hiền hòa với mặt nước mênh mang lăn tăn gợn sóng. 
Từ ngã ba sông, cứ men theo tả ngạn sông Đà mà đi tiếp trên Tỉnh lộ 127 khoảng 100km là tới thị trấn huyện Mường Tè. Dọc con đường ngoằn nghèo khúc khuỷu với cảnh đẹp mê hồn ấy, tiềm ẩn bên trong là nỗi hiểm nguy luôn rình rập bởi một bên là vách đá dựng đứng, còn bên kia là vực sâu thăm thẳm, dòng nước đỏ ngầu gầm lên đầy hung dữ. Có những đoạn sông vách đá hai bên bờ được dòng nước xiết ngàn năm “vỗ về” nên đã biến thành những hình thù hết sức kỳ quái.
Từ thị trấn huyện tiếp tục men theo sông, đi ngược 40km nữa thì tới ngã ba Nậm Lằn, rồi đi thêm 20km cuối là tới trạm biên phòng Kẻng Mỏ. Đoạn đường này có cảnh quan tuyệt đẹp, sông Đà len lỏi như một sợi chỉ giữa hai bên bờ núi cao chót vót nhưng hành trình thì lại vô cùng gian nan. Chỉ 20km thôi nhưng đây là một thử thách thực sự về sức mạnh ý chí, sự quyết tâm cũng như lòng can đảm của mỗi “phượt tử”. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ vật lộn trên từng khúc cua, cuối cùng các “phượt tử” cũng tới được trạm biên phòng Kẻng Mỏ. 
Qua cây cầu treo bên cạnh trạm Kẻng Mỏ và tiếp tục len lỏi khoảng 5km đường rừng nữa, chúng tôi tới ngã ba sông, nơi cắm cột mốc 17. Đây chính là nơi dòng Đà Giang bắt đầu hòa mình vào với non sông đất Việt. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, con sông hung dữ này chảy trên lưu vực có độ dốc cao, nước chảy xiết và có quá nhiều ghềnh thác thử thách người đi thuyền, bè trên sông. Do vậy những “người lái đò sông Đà” đã lấy những cái tên “rợn người” để đặt cho từng con thác để miêu tả sự hung hiểm của nó: Kẻng Cớn nghĩa là đá lăn, Kẻng Mỏ là bè lật … Sông Đà chỗ ngã ba sông biên giới này rất hẹp, khoảng chừng hơn 100m, nước rất xiết và lạnh, lòng sông cũng như bờ sông toàn đá cuội, có nhiều viên hình thù kỳ dị như bàn chân người, đủ màu sắc rất đẹp…
Vậy là qua một hành trình đầy gian nan, cuối cùng chúng tôi đã chinh phục được điểm mốc cuối cùng của ven trời Tây Bắc. Đứng chân nơi đây, mỗi chúng tôi không chỉ tự hào mà còn cảm thấy xúc động và khâm phục biết bao thế hệ ông cha ta đã đấu tranh để giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của tổ quốc. Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt cũng là nơi ngọn nguồn một nền văn hóa của bà con các dân tộc nơi đây. Dòng sông đã nuôi dưỡng và bồi đắp nên truyền thống hào hùng của dân tộc, dòng sông cũng là nơi nhân dân ta đã làm nên những huyền thoại. Hồi tưởng lại cuộc hành trình đã qua, bỗng dưng tôi nhớ lại hai câu đề của một tuyệt bút đã “vang bóng một thời”  
“Chung thủy giai Đông tẩu
 Đà Giang độc bắc lưu”.


Sông Đà nhìn như một sợi chỉ đỏ




Những vách đá với những hình thù kỳ quái


 Ngạc nhiên với những rặng dừa bên bờ sông



Tấm bia đá sau khi đã được di dời



Cột mốc 17 - Chứng kiến nơi con sông đà chảy vào đất việt

Hoàng Hà
Cập nhật ngày 12/12/2013

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm