Nhà em ở nơi đó, Lai Châu vùng đất vắng bóng trên bản đồ du lịch

Cập nhật: 26/06/2020
Ở cái nơi biên cương này khí hậu thật mát mẻ thế mà cả đêm qua giấc ngủ chập chờn, đâu đó lời bài hát nhà em ở nơi đó cứ văng vẳng trong giấc mơ.

6:00 Chủ Nhật, 21/6/2020

“Dậy nhé để còn đi thăm chợ phiên buổi sáng”, chúng tôi được đón đi ăn sáng bằng món phở gà đen và uống cà phê trên phố, ông chủ quán cà phê ra bắt chuyện với chúng tôi, chắc cũng lâu không có người dưới xuôi lên chơi, chỉ trong vòng 15 phút chúng tôi cứ như những người bạn đã quen từ lâu, ông hồ hởi kể đủ các thứ trên đời về Lai Châu, tôi phải khó khăn lắm mới có thể chia tay để lên xe nhập đoàn.
Vẫn là chợ San Thàn nhưng nó khác hoàn toàn với khung cảnh của đêm qua, người chen chúc nhau đi chợ ngay từ điểm đỗ xe. Tôi hào hứng lắm nên đi rất nhanh và hát to “xuống chợ, xuống chợ ngại ngùng gì hỡi em, xuống chợ, xuống chợ với anh” mọi người nhìn tôi và cười.
Bước vào chợ là những sạp hàng của người Kinh, càng đi sâu vào bên trong chợ là vô số hàng quán của người dân tộc, tôi tò mò với tất cả mọi thứ nơi đây. So với chợ Đồng Văn, chợ Mèo Vạc ở Hà Giang hay chợ Bắc Hà ở Lào Cai thì chợ San Thàn không khác là mấy, tôi nhận thấy có mấy nhóm trang phục lạ của người Dao xanh, người Thái đen, người Lự và người Hà Nhì. Có lẽ đây là mái nhà duy nhất tụ họp đầy đủ nhất các nhóm dân tộc thiểu số ở tây bắc và cũng là lần đầu tiên tôi được quan sát một cách tổng quát nhất, điều này lại làm tôi càng thêm tò mò.
Tôi đi hết một vòng để chụp và quay lại những hình ảnh quý báu này, hầu hết người có tuổi khoảng từ 60 trở lên không nói được tiếng kinh, họ giao tiếp với nhau qua những ngôn ngữ đăc biệt, đi tiếp là mấy sạp bán hàng ăn, phải nói rằng ẩm thực nơi đây rất phong phú với nhiều loại bánh, ở phía bên kia cầu là chợ động vật với đủ các loại chó, gà, vịt, ngan, dê, lơn nhưng không có trâu bò. Mải mê một lúc đã hết giờ hẹn, tôi nhanh chân chạy về điểm đỗ xe để cùng đoàn di chuyển tới bản Vàng Pheo trong chương trình sáng nay.

Những người đồng bào trong trang phục tại chợ Sa Thàn

Bản vàng Pheo của người Thái trắng cách thành phố Lai Châu chừng 30 km, trên đường chúng tôi có ghé qua suối khoáng nóng, một công trình đang xây dựng dở dang, sau khi khảo sát đoàn di chuyển tới một ngồi đền vào thắp hương cho vị nữ anh hùng của đồng bào dân tộc Lai Châu tên gọi Nà Hang. Những cơn mưa rừng bắt đầu ập xuống làm cả đoàn phải di chuyển vất vả, chúng tôi được đón từ cổng làng bằng ô che mưa như một nhân vật quan trọng bởi những thiếu nữ người Thái và tôi phải thốt lên với cô ấy rằng “trời ơi thế này thì còn gì bằng, cứ để anh ướt hết người cũng được”. Thật lòng mà nói, phụ nữ Thái là một trong những phụ nữ xinh đẹp nhất trong nhóm các dân tộc của Việt Nam, từ mái tóc đến những bộ áo váy gọn gàng bó sát người lộ ra những nét đẹp của người phụ nữ vùng cao. Bữa trưa của chúng tôi được bố trí với ba dãy bàn và khu vực sân khấu biểu diễn âm nhạc dân tộc, có thể nói đây là bữa cơm thịnh soạn nhất với mười hai món ăn chính của người dân tộc Thái trong dó có món rau lá ngón, đậu hũ thối và các loại côn trùng, bữa trưa kêt thúc rất muộn vì chúng tôi có các cán bộ địa phương đến giao lưu, đến tận gần 15.00 chúng tôi mới khởi hành đi bản Sin Suối Hồ.

Ăn trưa tại bản người Thái, Vàng Pheo

5 không Sin Suối Hồ.

Bản không có rác
Bản không có người uống rươu
Bản không có người hút thuốc lá
Bản không có người nghiện ma tuý
Bản không có người chơi cờ bạc


“Có một địa điểm văn minh như thế ở Việt Nam sao”? Em gái H’mông cam kết với tôi về lời nói đó! Chúng tôi di chuyển qua nhiều con đường với những góc cua hẹp có đoạn bác tài phải dừng lại ngó đường để hai xe có thể tránh nhau. Cảnh hai bên đường đẹp lắm với nhiều ruộng bậc thang và tôi biết là chúng tôi đang lên dốc nhưng vì trưa nay tôi uống hơi nhiều nên ngủ gà ngủ gật cả chặng đường, tôi cố mở mắt ra để thật tỉnh táo, bước xuống xe khi xe dừng.
Trước mắt tôi là những nàng tiên váy đỏ bưng những nong tre cùng những chàng trai thổi sáo, nở trên mặt họ là những nụ cười tươi với hàm răng trắng “Em chào anh ạ, mời anh uống nước thảo quả ạ” giọng hơi ngọng ngọng. Tôi đã tỉnh ngủ từ bao giờ!
Với những gì đang bày ra trước mắt tôi, tôi hiểu là một sự dàn sếp đón tiếp, nhưng trên nét mặt và cử chỉ của họ cùng trong ánh mắt chìu mến họ nhìn tôi toát lên một trái tim chân thật và giàu lòng mến khách. Sau những tiết mục văn nghệ chào mừng đoàn chúng tôi được một chàng thanh niên dẫn đi leo núi, đoàn chia thành hai nhóm vì có người hoặc không leo được núi hoặc mệt nên ở lại bản, tôi háo hức làm một mạch chạy lên tận đỉnh thác chừng 3 km, cái khí hậu ở đây mát mẻ và dễ chịu đến vô cùng, tôi tranh thủ chụp ảnh những con thác và quay lại bản trong vòng một tiếng sau đó.
Tối nay anh bạn đặt chỗ cho tôi ngủ cùng nhà, chúng tôi được phân công lên ngôi nhà cao nhất trên núi, chúng tôi nói đùa “vua hay tìm chỗ cao để ở, bọn mình cũng thế”, dù đã đi khá nhiều nơi có những bản người H’mong sinh sống nhưng tôi chưa bao giờ thấy một bản người H’mông nào sạch sẽ thế này, từ góc bếp đến sân vườn hay chỗ ngủ đều sạch bóng và thơm mùi hương lá sả. Hầu hết các ngôi nhà trong bản đều giữ nguyên vẹn nếp nhà cổ bức trình tường đắp đất và cánh của gỗ một phên, mỗi gia đình đều có ít nhất vài bình hoa phong lan rừng trước cửa và ngoài sân vườn.
Đoàn tập trung ăn tối lúc 19:00, tôi và anh bạn tranh thủ tắm nhanh để dạo bản, chúng tôi đi loanh quanh thăm các khu nhà làm homestay và chơi đùa với những đứa trẻ đáng yêu nơi đây. Sau những ly rượu ngô cùng những ca khúc điệu múa gửi tặng đoàn chúng tôi tham gia vào chương trình đốt lửa trại nối vòng tay lớn, một đêm thật vui vẻ và rực lửa, có nhiều người không muốn ngủ đã tìm cho mình một khoảng trời riêng, còn tôi đêm nay là một đêm ngủ thật say.

Một nhóm leo núi lên khu vực thác Tình Yêu.

Những ngôi nhà trình tường tại bản Sin Suối Hồ.

Bữa sáng của người H'mông.

Tạm biệt Sin Suối Hồ

Một chút sao xuyến và một chút buồn man mác khi phải chia tay Sin Suối Hồ, sáng nay chúng tôi có buffe nông sản nào là ngô, khoai, cháo, sôi nếp nương, trứng gà ta luộc, có một món đặc biệt hơn là bánh giày chấm mật ong được giã tại chỗ. Có lẽ không có nỗi buồn nào buồn hơn khi phải nói lời chia tay, những cái vẫy tay chào đã làm một số người rơi lệ.  Đoàn di chuyển về thành phố Lai Châu dự hội thảo tại khách sạn Mường Thanh đánh giá kết quả chuyến khảo sát và đóng góp ý kiến dưới sự chủ trì của lãnh đạo tỉnh và SVH và Du lịch Lai Châu, nhiều ý kiến đóng góp được các thành viên đoàn phát biểu, sau buổi hội thảo đoàn chúng tôi dùng cơn trưa và lên xe về Hà Nội bằng xe giường nằm qua đường cao tốc Lào Cai, đoàn tới Hà Nội lúc 20:00. 

Nếu tôi không được được tham gia chuyên đi lần này thì không biết tới ngày nào tôi mới biết Lai Châu đẹp như thế. Xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới những người đồng bào, những anh chị thầm lặng tận tuỵ trong đoàn cùng ban tổ chức đã kết nối cho tôi và các thành viên có một trải nghiệm đầy ý nghĩa này.  

Các bạn của tôi ơi, hãy đến ngay, đến ngay Lai Châu để có những trải nghiệm tuyệt và cùng hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam đi Du lịch Việt Nam”.

Tôi là Mr Linh, người dân tộc Kinh, tâm hồn người Tày, thể lực người H’mông, chuyện thì nhiều nhưng từ trước đến giờ tôi viết kiểu Tây các bạn có thể đọc thêm ở đây www.mrlinhadventure.com giờ Covid tôi có thêm chút thời gian tôi viết kiểu ta. Những bài viết của tôi là sự trải nghiệm thực tế, tôi hi vọng phần nào những trải nghiệm này sẽ giúp các bạn có thêm thông tin trước mỗi chuyến đi #nguoivietdulichviet #yeudulichvietnam #laichau.

Mr Linh

Nguồn: http://www.nguoivietdulichviet.vn/tin-du-lich/85-nha-em-o-noi-do-lai-chau-vung-dat-vang-bong-tren-ban-do-du-lich.aspx