Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022

Cập nhật: 12/11/2022
Tối 11/11, tại Trung tâm Thương mại tỉnh Lai Châu long trọng tổ chức Lễ khai mạc Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề: “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu bấm nút khai mạc Hội chợ sâm Lai Châu 2022

Với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa", Hội chợ được tổ chức từ ngày 11-13/11 nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển, đồng thời quảng bá “báu vật” sâm Lai Châu đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tìm hiểu, tin tưởng xúc tiến hợp tác, liên kết với người dân địa phương cùng chung tay gây trồng, khai thác, kinh doanh, làm giàu từ các lợi ích to lớn của loài cây đặc hữu riêng có tại Lai Châu. Qua đây, hiện thực hóa khát vọng “thoát nghèo, góp phần thay đổi cuộc sống” của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những điều kiện thuận lợi của Lai Châu để phát triển cây sâm như có giải khí hậu trung tính và ôn hòa; có 6/10 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Việt Nam, có nhiều vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, hệ sinh thái rừng và thảm thực vật vô cùng phong phú, độ che phủ rừng tự nhiên gần 52%. Theo các nghiên cứu, cây sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu, phân bổ hẹp trên địa bàn tỉnh Lai Châu, phát triển thuận lợi ở những vùng rừng núi cao hoang sơ, sương mù bao phủ và lạnh về mùa đông, với tiềm năng phát triển cây sâm khoảng gần 40.000ha. Đó là cơ hội quý cho Lai Châu phát triển ngành sâm và thực phẩm chức năng từ sâm dựa trên việc phát huy các giá trị tinh hoa mà trời đất đã ban tặng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ hội sâm Lai Châu 2022

Đối với Sâm, đất và rừng là yếu tố không thể thay thế, vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, phát triển Sâm Lai Châu gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế du lịch. Tỉnh cần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững; tạo thuận lợi để người dân trồng, phát triển cây dược liệu, trong đó có cây Sâm Lai Châu để “sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm quan khu trưng bày sản phẩm tại Hội chợ sâm Lai Châu 2022

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm quan khu trưng bày sản phẩm Ocop tại Hội chợ sâm Lai Châu 2022

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm quan không gian Văn hóa dân tộc Lự, Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường tại Hội chợ sâm Lai Châu 2022

Cùng với đó, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển Sâm Lai Châu, Sâm Ngọc Linh, đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chế biến nhân sâm. Khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết để cùng nhau cộng hưởng sức mạnh, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chế biến sâm, tạo cú hích có tính đột phá cho việc phát triển quy mô trồng, sản xuất và chế biến sâm trong nước.

Tại buổi lễ, để thúc đẩy mở rộng vùng trồng và vận động người dân tích cực tham gia trồng Sâm Lai Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cây giống Sâm Lai Châu cho các hộ gia đình tích cực trồng sâm của tỉnh. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trao Bằng Bảo hộ giống cây trồng đối với cây Sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao Quyết định chấp nhận hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho tỉnh nhà./.

Thu Hiền

 

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch